Monday, August 19, 2013

Nhìn nhận rõ hơn về yếu tố cạnh tranh và độc quyền trong kinh doanh đa cấp

"Các bạn ạ ! Thời buổi này ngoài thị trường đầy rẫy cạnh giữa các công ty trong cùng một ngành nghề, còn nếu bạn đi làm công ăn lương, bạn muốn lên vị trí quản lý cao hơn bạn phải cạnh tranh với rất nhiều người như bạn, bạn muốn thăng tiến, đồng nghĩa với bạn tạo ra nhiều kẻ thù. Còn khi bạn tham gia kinh doanh đa cấp với công ty X chúng ta: Bạn càng thành công bạn càng có nhiều người thành công, bạn sẽ được nhiều người biết ơn bạn, thành công của bạn sẽ không có sự cạnh tranh, đây là môi trường đoàn kết, đây là công việc có giá trị nhân văn....". Đây là một đoạn đào tạo nhà phân phối của một đội nhóm kinh doanh đa cấp. 

Nếu như bạn tham gia vào các hoạt động đa cấp, sẽ được nhìn màu hồng, màu đỏ rất nhiều, được nghe thấy những tương lai tươi đẹp từ nhiều phía. Ý tưởng về một công việc ít cạnh tranh, giá trị đạo đức cao cả chỉ là một khía cạnh mà thôi. Vậy, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận xem, sự thực đa cấp có cạnh tranh hay không?

Xét về kinh doanh truyền thống. Nếu bạn chấp nhận làm nhà phân phối ở một khu vực (thường là cấp tỉnh) thì bạn sẽ được độc quyền phân phối sản phẩm đó trong khu vực đó. Điều này đảm bảo cho bạn không bị cạnh tranh về mặt thị trường địa lý. Tuy nhiên, bạn thấy đó, chỉ trong một khu vực nhỏ thôi có vô vàn nhà phân phối. Thậm chí, có gia đình vài người cũng tham gia vài hệ thống khác nhau. Ví dụ bạn tham gia công ty kinh doanh đa cấp X, nhưng em ruột của bạn cũng tham gia với một người khác, cũng công ty X, bạn cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt, bởi vì hệ thống đa cấp đã giáo dục bạn bằng hai chữ: cơ hội. Ai trao cơ hội cho người nào thì người đó được, hoặc là do "Duyên". Do đó, nếu xét về khía cạnh cạnh tranh thì khi bạn làm nhà phân phối đa cấp, bạn sẽ gặp phải rất nhiều sự cạnh tranh. Đó là, sự cạnh tranh của các công ty đa cấp cùng làm ngành hàng như bạn, sự cạnh tranh từ các yếu tố kinh doanh truyền thống, sự cạnh tranh từ hệ thống hàng ngàn hàng vạn nhà phân phối đã tham gia vào công ty kinh doanh của bạn. 

Xét về yếu tố độc quyền: Bạn chẳng được độc quyền gì cả. Bạn phải tiến hành gia hạn lại hàng năm để phải mua những tài liệu của công ty. Vả lại, công ty có quyền chấp nhận hay không chấp nhận sự yêu cầu gia hạn của bạn. Còn những công ty nào không yêu cầu gia hạn thì phẩn lớn lại là ảo. 

Bạn bị điều khiển bởi các hợp đồng với công ty. Hiến có trường hợp nhà phân phối nào ngồi đọc đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng với công ty đa cấp. Họ thường chỉ nhìn thầy những người khác nói, sau đó hỏi vài câu, và ký hợp đồng mua sản phẩm. Nếu bạn đọc kỹ hợp đồng của công ty bạn sẽ thấy, quyền lợi của bạn và trách nhiệm của công ty đối với bạn như thế nào so với kinh doanh truyền thống. Hấu hết các công ty kinh doanh đa cấp đều có quy định là bạn đã chấp nhận là nhà phân phối của công ty thì sẽ không làm nhà phân phối cho bất cứ công ty kinh doanh đa cấp nào khác. 

Tuy nhiên, những người bảo trợ của bạn thường không biết, hoặc họ không nói cho bạn về vấn đề này. Khi thành tích của bạn còn thấp, thì bạn có làm bao nhiêu công ty đa cấp, các công ty này đều không quan tâm đến bạn và điều khoản này, tuy nhiên, khi bạn có thành tích cao (có tiền nhiều) ở một công ty nào đó, thì chính lãnh đạo công ty đó sẽ buộc bạn, hoặc là chọn công ty của họ, hoặc là bạn sẽ bị cắt mã số tại công ty họ. 

Điều này cho thấy sự mập mờ, có khi gọi là "cái bẫy" cũng nên. Nhưng nếu xét đúng về luật tiêu dùng, thì những quy định này hoàn toàn không phù hợp. Các công ty đa cấp đã lợi dụng việc họ trả tiền hoa hồng để làm vượt quá quyền hạn của họ, mà luật pháp chúng ta thì không thể khống chế được họ. Nói chung, các công ty đa cấp đều nắm phần cán, bạn chỉ nắm phần lưỡi mà thôi, nếu không có gì, không ai giật thì thôi, mà một khi đã giật thì thiệt hại đều thuộc về bạn. 

Qua những vấn đề được nêu ở trên, chúng ta đã nhìn rõ hơn bản chất của việc cạnh tranh và độc quyền trong kinh doanh đa cấp là gì rồi. 

Hiển nhiên, cái gì cũng có sự công bằng, bạn chẳng độc quyền độc quyền cái gì bởi vì bạn tham gia đa cấp họ cũng chẳng đòi hỏi gì ở bạn, không cần bạn phải chứng minh năng lực, không cần bạn phải bỏ vốn đầu tư, không cần bạn phải cam kết doanh số. Được và mất là bằng nhau mà !

Nguyên Thần


0 comments:

Post a Comment

Hãy cho biết ý kiến của bạn về bài viết trên.